Bảo vệ môi trường
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

mẹ thiên nhiên đang kêu cứu,và chúng ta cần phải làm gì?

Go down

mẹ thiên nhiên đang kêu cứu,và chúng ta cần phải làm gì? Empty mẹ thiên nhiên đang kêu cứu,và chúng ta cần phải làm gì?

Bài gửi  toanngoa3 Wed Apr 11, 2012 7:06 pm

Cho phép tôi được hỏi, các anh chị và các bạn có thương mẹ không? Có yêu mẹ không? Có muốn làm cho mẹ vui lòng không? Và tôi nghĩ câu trả lời của đại đa số là “có”, một ít trong số đó là im lặng “chưa có câu trả lời”, nhưng không có ai trả lời là “tôi không yêu mẹ” cả.

Như vậy trái tim anh chị và các bạn đang rất khỏe, tâm hồn các anh chị và các bạn cũng đang rất hạnh phúc. Vì có thương mẹ, có yêu mẹ, có sống trong sự chở che và tình thương của mẹ các anh chị, các bạn mới thấy mình khôn lớn, khỏe khoắn và hạnh phúc.

Tình thương của mẹ muôn đời vẫn là tình thương cao đẹp nhất, và nhiệm vụ thiêng liêng của những người con hiếu thảo là biết yêu mẹ, vâng lời mẹ, làm cho mẹ vui lòng, đúng không các anh chị và các bạn?

Ai trong chúng ta cũng đều có mẹ, nếu không có mẹ, chúng ta không thể có mặt để vui cười, để khôn lớn, để biết yêu thương cuộc đời này. Chính vì thế mà mẹ vẫn luôn là hình ảnh thân thương, gần gũi dịu hiền nhất mà ai xa mẹ mới thấm thía được nỗi niềm này. Một bài hát nào đó mà tôi từng nghe: “Mẹ già như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”. Hình của mẹ được ví như những gì giản đơn nhất, bình dị nhất nhưng cũng rất đậm đà và tha thiết. Chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau v.v… là hồn quê, là hồn của mẹ. Mẹ là quê hương, quê hương là mẹ!

Cũng trong một bài hát khác có đoạn nói về mẹ thật xúc động: “Mẹ tôi, tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày. Mẹ tôi, mỉm cười nhìn bóng con thơ. Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại. Cầu mong con mình có một ngày mai v.v…”. Thế đấy! Tình mẹ dành cho con là thế và hơn thế! Vậy mà con không biết thương mẹ thì con không đáng làm con, con không đáng làm người!

Thưa các anh chị và các bạn.

Tôi không dám có lời khuyên nào, hay lời chê trách nào hoặc là dạy bảo ai về trách nhiệm cần có của một người con đối với mẹ vì chính tôi cũng là một đứa con chưa tròn chữ hiếu. Tuy nhiên, tôi viết như vậy là để mời các anh chị và các bạn hãy cùng chia sẽ với tôi, cùng suy tư với tôi về một người mẹ, người mẹ này không trực tiếp sinh ra chúng ta, nhưng đã nuôi lớn chúng ta, đã che chở cho chúng ta, đã hứng chịu bao hỉ nộ ái ố của chúng ta. Đó là bà mẹ trái đất. Bà mẹ thiên nhiên. Mà trong tín ngưỡng dân gia Việt gọi là Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn.

Có lẽ ít ai trong chúng ta nghĩ về người mẹ này, vì thế tôi xin các anh chị và các bạn hãy dành đôi ba phút tưởng nhớ và dành một chút tình thương để gửi đến người mẹ trái đất của chúng ta.

Trong vài phút ngắn ngủi trôi qua, các anh chị và các bạn có nghe được nhịp trái tim đập không đều, nhịp thở hấp hối của bà mẹ trái đất đang quặn mình trong cơn đau thập tử nhất sinh không? Mẹ trái đất đang kêu cứu! Kêu cứu trong tuyệt vọng, vì không hoặc ít ai chịu nghe tiếng kêu cứu này!

Chúng ta lớn lên từ hạt gạo, củ khoai; chúng ta hồn nhiên trên cánh đồng lúa xanh bất tận; chúng ta vui mừng vì những chuyến ra khơi đầy ắp cá tôm, những vụ mùa “trúng lớn”; chúng ta tự hào vì được sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên, mà dân gian hay gọi “rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu”. Đó chính là “của hồi môn” mà người mẹ đã trao tặng cho con gái khi về nhà chồng. Đó chính là gia tài to lớn mà bà mẹ trái đất đã để lại cho người con trai khi thành lập gia đình.

Những quặng dầu “vàng đen” đã và đang nuôi lớn bao đứa con, chúng đang uống dòng sữa này từ thẳm sâu trong lòng của bà mẹ trái đất, để vươn mình lớn lên như “Phù Đổng Thiên Vương” để xưng hùng xưng bá với thế giới. Ôi! Còn gì cao đẹp hơn, còn tình thương nào cao quý hơn, còn ưu ái nào to lớn hơn những gì mà bà mẹ trái đất đã và đang mang lại cho chúng ta. Vậy mà có ai nghĩ đến người mẹ này đâu?

Chúng ta đã tận dụng hết tình thương của mẹ, khai thác triệt để tối đa các nguồn tài nguyên có được, để rồi hậu quả là ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, bão lụt hoành hành. Các mỏ than sau khi khai thác không được san lấp, hoặc có san lấp thì cũng chỉ là công việc đối phó, các giếng dầu được ví như dòng sữa của bà mẹ trái đất lại bị chính những đứa con tranh nhau rút cạn, cũng từ những giếng dầu này mà bao cuộc chiến tranh tang thương, chết chóc xảy ra, khiến cho dân tình khốn khổ, nhà cửa nát tan v.v…

Rừng là lá phổi của bà mẹ trái đất, là cánh tay che chở, là bóng mát, nguồn sống nuôi lớn con người. Vậy mà sau khi lớn khôn chính con người lại quay lưng cắt đứt lá phổi của người mẹ mà không hề chùn tay, hối tiếc để rồi thảm họa xảy ra. Một khi mưa trên trời đổ xuống, cánh tay thương tật của bà mẹ trái đất không thể nào ngăn cản được dòng nước như thác lũ cuồn cuộn đổ về xuôi, gây ra cảnh lỡ đất, lụt lội v.v… khi lá phổi kia đã không còn đủ khả năng che chở nữa với sức nóng dần lên của khí hậu làm nước biển dâng cao gây ra động đất, sóng thần nhấn chìm vô số tính mạng, tài sản v.v… Điển hình như trận sóng thần xảy ra ở đảo Bali thuộc Indonesa đã giết chết trăm vạn người, cũng thế, trận động đất xảy ra ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, và hiện tại là trận động đất 7,6 độ richter đã xảy ra tại Indonesia trong mấy ngày qua làm hơn 1.000 người chết và hơn 3000 người đang nằm kêu cứu tuyệt vọng trong đống đổ nát. Có thể nói thiệt hại to lớn về người và tài sản thì không thể nào tính đếm được.

Cơn bão số 9 với sức gió giật cấp 14, 15 đã quần nát các tỉnh ven biển, gây thiệt hại rất lớn đối với các nước như Philippine, miền Trung Việt Nam. Mỗi khi cơn bảo đi qua là hậu quả của nó để lại vô cùng tàn khốc, người chết, nhà cửa tan nát, phố xá làng mạc chìm trong biển nước, bao tài sản tích góp từng mấy mươi năm nay tan tành chỉ trong chốc lát.

Nguyên nhân nào con người lại chịu tai họa thảm thương như vậy? Phải chăng bà mẹ trái đất không còn thương yêu và bảo bọc chúng ta nữa?

Thưa các anh chị và các bạn.

Bà mẹ trái đất vẫn thương yêu và vô cùng đau xót khi chứng kiến cảnh tang thương đang xảy ra với những đứa con của mình. Nhưng đành bất lực, vì chính những đứa con ấy đã khai thác, bóc lột triệt để sức khỏe, tài sản và gây thiệt hại nghiêm trọng cho người mẹ già nua kia. Để đến khi người mẹ này buộc lòng lên tiếng kêu cứu thì cũng đồng nghĩa với bao tai họa giáng xuống mà chính người mẹ này không hề mong muốn chút nào. Vết thương ngày một lớn, nguy cơ tử vong ngày một cao, mà thiên tai, động đất, sóng thần là những điềm báo cho thấy rằng người mẹ cần kịp thời cứu chữa nếu không thì sự ra đi của bà mẹ trái đất chỉ là trong thời gian đếm được.

Nguyên nhân mà con người phải gánh chịu không phải do trời đất hay một đấng quyền năng nào có thể làm được, mà nguyên nhân trực tiếp, chính yếu vẫn là lòng tham và sự vô minh, thiếu tình thương của mỗi con người. Lấy ví dụ trong “ẩm thực ăn uống” của chúng ta ngày nay.

Tài nguyên thiên nhiên, các động vật sống dưới nước và trên rừng ngày càng bị đưa vào danh sách đỏ “danh sách khan hiếm”, thậm chí có những loài đã bị tuyệt chủng, bởi sự săn bắn tàn khốc của con người. Động vật trên rừng như là gấu, cọp, thỏ, heo rừng, tê giác, thỏ v.v… đều được truy lùng săn bắn và đưa về miền xuôi, cạo bỏ sạch lông, rồi được khoắc lên một chiếc áo vàng tươm, xoa bằng nước hoa bóng loáng (dầu ăn), thêm chút phấn son của “ngũ vị hương” đặt trang trọng trên những bàn tiệc thịnh soạn thảo mãn thú ẩm thực dã man của con người. Kể từ đó, rắn, bò cạp, thằn lằn, kỳ nhông, kỳ đà, sâu bọ côn trùng thi nhau bị giết sạch để làm thức ăn cho những kẻ thừa tiền lắm của nhưng thiếu lòng nhân.

Chưa thỏa mãn, họ còn nhắm đến các loài ở dưới nước như là cá, tôm, cua, ngao sò, ốc hến, baba, rùa v.v… Sau khi đã ăn xong, họ dùng “chiếc áo” của những loài như rùa, baba, ốc v.v… để làm đồ trang sức cho gia đình, hoặc đeo trên người, hay là đưa vào bộ sưu tập “dã man” của gia đình để hô hào với thiên hạ là chính gia đình tôi, bản thân tôi cũng có nhiều chiến tích quan trọng trong công cuộc góp phần giết chết các loài động vật, tích cực hủy hoại môi trường, gián tiếp giết chết bà mẹ thiên nhiên và cũng là gián tiếp mang tội hủy diệt loài người.

Có thể nói thú vui ẩm thực của con người ngày càng phong phú, cái bao tử của những con người sành ăn đã từ lâu trở thành một nghĩa trang di động, nơi chôn cất biết bao sinh mạng, từ động vật trên rừng, dưới biển và cả chim muôn trên trời.

Nếu ai đã từng đi về Hà Tây, đi trên đoạn đường mang cái tên rất địa phương như: Nhỗn, Diễn, Phùng… vào lúc 5 giờ đến 6 giờ sáng là có thể chứng kiến những lò mổ lộ thiên, nơi mà chỉ trong một buổi sáng không biết bao nhiêu con chó đã bị làm thịt. Cảnh tượng đó cũng có thể được ví như là “máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm”. Hình ảnh những con chó bị cắt cổ, nướng vàng được đặt lên bàn bên cạnh vệ đường với đôi mắt trừng to, nhe răng như oán hận đã không còn xa lạ gì đối với người dân vùng này. Nhưng lạ thay người dân Việt phần đông là người Hà Nội rất thích ăn thịt chó, họ cho đây là một món ăn đặt sản của miền đất Hà thành. Thanh thiếu niên bây giờ cũng xem đây là một trong những thứ để đánh giá là bạn có phải là người sành điệu, biết ăn chơi hay không?

Xuôi về miền Nam, nhất là Sài Gòn, mỗi khi “đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ” bậc lên là bao nhiêu bản hiệu “hải sản tươi sống, tiểu hổ, thịt cày bảy món, lẩu lương, lẩu bò v.v…” hiện lên vô cùng sinh động và rất dễ dàng thu hút những ai có cùng tần số với những món ăn này.

Bao nhiêu đó cũng đủ chứng minh là, chỉ vì để thỏa mãn cái ăn của mình mà con người đã hủy hoại thiên nhiên, triệt tiêu sự sống của vạn loại chúng sinh. Để rồi tự chuốc lấy bệnh tật, dịch hạch, thảm họa thiên tai, bao điều thống khổ, và những lúc như thế thì than trời trách đất mà không nhìn lại xem mình đã làm gì, để chịu cảnh đau thương như vầy.

Phải làm thế nào để cứu lấy mạng sống bà mẹ thiên nhiên của chúng ta? Phải hô hào là trồng cây gây rừng ư? Hay là vận động chạy bộ vì sự an toàn của trái đất?

Các tổ chức trên thế giới cũng đã họp bàn, tốn không biết bao nhiêu giấy mực, tiền của, công sức và thời gian nhưng bệnh tình của bà mẹ trái đất vẫn không hề thuyên giảm. Vì những việc họ làm chỉ mang tính hình thức, phong trào, không duy trì được lâu dài. Cứ mỗi năm “đến hẹn lại lên” họp rồi bàn, bàn rồi để đó. Và kết cuộc lời kêu cứu của bà mẹ thiên nhiên vẫn là vô vọng.

Thiết nghĩ mỗi chúng ta phải là một bác sĩ để tự cứu lấy mình, cứu lấy cái tâm tàn nhẫn của mình, cứu lấy tâm hồn đang bị vẫn đục bởi tài sản, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ của mình. Vì nô lệ cho những thứ này mà chúng ta bất chấp mọi thủ đoạn, khai thác, triệt hạ, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, giết chết chính bà mẹ thiên nhiên đã cưu mang, ban tặng, chia sẽ sự sống thiêng liêng cho chúng ta.
Nếu vì “ngũ dục” kia mà chúng ta quay lưng lại với tình thương của mẹ, bỏ mặc người mẹ đang kêu cứu mà không quan tâm ra sức cứu chữa thì đến một lúc nào đó “chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau” cũng sẽ chỉ còn là những danh từ gợi lên một quá khứ hạnh phúc khi mẹ còn sống. Và rồi những tên gọi ấy cũng sẽ không còn khi người mẹ thiên nhiên không còn nữa, tức là con người không còn chỗ nương tựa, tự đi đến chỗ diệt vong, khi ấy làm gì có ai còn tồn tại để cất tiếng gọi “đường mía lau”.

Ra sức cứu lấy bà mẹ thiên nhiên là ra sức cứu lấy cuộc sống của chính chúng ta.

Để làm được điều này, chúng ta phải phát khởi tình thương sâu sắc, chân thành nghĩ về những gì mà bà mẹ thiên nhiên đáng thương kia đã dành cho chúng ta. Ý niệm về một bà mẹ đang đau thương bệnh tật được hành thành khi chúng ta có lòng thương yêu thật sự. Tình thương yêu này lúc đầu được phát khởi bằng sự tự thương và tự cứu lấy mình, dần dần sẽ nâng lên thành tình thương rộng lớn là cứu lấy hành tinh này. Mỗi người cùng chung tay, một tiếng nói, một hành động góp lại cũng sẽ làm nên được việc lớn “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Sức mạnh tổng hợp được hành thành từ sức mạnh của mỗi cá nhân, hãy hành động vì sự sống của trái đất, vì sự sống của loài người.

Thưa các anh chị và các bạn.

Hành động thiết thực để cứu lấy hành tinh, là thể hiện tình yêu nhân loại. Một thế giới hòa bình cũng có nghĩa là mọi người chung sống hòa thuận với nhau, không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, địa vị giai tầng, quốc gia, tôn giáo. Chung sống hài hòa với thiên nhiên cũng có nghĩa là trở về với tổ tiên nguồn cội. Con người dù văn minh đến đâu nhưng nếu không biết tưởng nhớ, bảo vệ và phát huy những gì tổ tiên tạo dựng thì con người đó, xã hội đó không thể tồn tại. Hủy hoại thiên nhiên, là hủy hoại tổ tiên, là giết chết tình thương của chính chúng ta. Vì thế cần bảo vệ và sống hài hoà với thiên nhiên.

Ngày nay chúng ta có xu hướng ra ngoại thành để sống, tạo một không gian riêng, có vườn, có ao, có cá, có núi, có sông, nói chung là chúng ta muốn hòa nhập với thiên nhiên. Nhưng để có những điều như vậy, chúng ta lại phá hủy thiên nhiên, bắt cá đem về thả trong hồ để nuôi, khai thác các tảng đá có hình dạng lạ kỳ và làm kiểng, chặt phát những cây gỗ quý để làm bàn ghế sang trọng trong gia đình v.v… Đó có phải là hành động của một người yêu thiên nhiên hay không? Hay chỉ là sự ích kỷ cá nhân? Nếu là một người yêu thiên nhiên thì chúng ta phải có những hành động ngược lại như đem cá trong hồ thả về sông, cây gỗ trên rừng thì nên bảo vệ, không khai thác bừa bãi, môi trường xung quanh phải giữ gìn trong sạch, không dùng các chất hóa học, không dùng các thứ túi nilon có tính chất phá hủy môi trường, đó là những hành động thiết thực nhất để làm giảm nguy cơ hủy diệt mầm sống toàn cầu, cũng là thể hiện tình thương đại đồng từ góc độ cá nhân.

Bây giờ mỗi khi ra đường ai cũng mặt mũi che kín, chỉ chừa đúng 2 con mắt để thấy đường đi, đó cũng là hậu quả mà chính con người chúng ta gây ra “nhân nào quả đó, muôn đời không sai”. Nếu muốn có sức khỏe an toàn, muốn đi ra đường một cách thoải mái, để ai ai cũng nhìn thấy mặt nhau, cùng chào nhau bằng nụ cười thân thiện thì từ bây giờ hãy khơi dậy trong chúng ta sự tự giác bảo vệ môi trường, cứu bà mẹ thiên nhiên cũng là cứu lấy chúng ta.

Thưa các anh chị và các bạn.

Sau đây là đoạn văn được trích dẫn trong loạt bài “Giấc mơ Việt Nam” do Sư ông Làng Mai trình bày:
“Rừng thiêng của núi sông ta, của trái đất ta đang mỗi ngày bị tàn hại. Bà Chúa Thượng Ngàn của chúng ta đang bị bó tay, nếu ta không mau lẹ tới tiếp cứu Bà. Bà Mẫu Thoải của chúng ta cũng đang ốm đau vì chất độc hóa học. Nếu chúng ta bị động thì chỉ trong vòng một trăm năm nữa, là rừng thiêng không còn, chỉ còn lại những lâm viên, gọi là lâm viên quốc gia (National parks).”

Các loài cầm thú đang bị diệt chủng một cách mau chóng. Theo một tài liệu nghiên cứu do một đoàn khoa học gia quốc tế công bố trên báo Nature (Thiên Nhiên) thì từ 15% tới 37% của những loại cầm thú và cây cỏ hiện có trên hành tinh sẽ bị diệt chủng vào năm 2050 nếu cái đà tàn hại sinh môi này không bị chặn đứng. Diệt chủng vì không còn đất sống. Người Việt chúng ta phải ngồi lại với các bạn Lào, Cambodia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc để đàm luận về cách bảo hộ sông núi và rừng thiêng trong vùng. Con sông Cửu Long là mạng mạch của sự sống của các nước chúng ta. Ta phải nắm tay nhau để bảo hộ con sông, như bảo hộ mạch máu của một cơ thể chung. Vận mệnh của chúng ta gắn bó liền vào nhau, cái nhìn của chúng ta phải có khả năng vượt biên giới quốc gia. Bảo vệ sông núi của nhau là tự bảo vệ. Bên Pháp có một loại sơn dương mùa Hè cư trú ở miền núi Pháp nhưng mùa Đông thì kéo nhau về sống ở Ý tại vì miền Nam ấm hơn. Người Ý dành một vùng núi ở biên giới để tạo lập lâm viên quốc gia Paradiso để bảo hộ cho các đoàn sơn dương ấy. Người Pháp cũng tạo lập lâm viên quốc gia Vanoise để bảo hộ cho các đoàn sơn dương. Năm 1972, hai nước đồng ý nới rộng vùng lâm viên siêu biên giới ấy đến 14 cây số, để loài sơn dương được bảo vệ suốt năm.

Biển Địa Trung Hải rộng tới hơn 2 triệu rưỡi cây số vuông cũng đã là mối chung lo của tất cả các nước trong vùng. Từ lâu đã có những cố gắng chung của các nước ấy để đến với nhau và cùng định đoạt về những phương thức bảo vệ và khai thác biển ấy. Năm 1973, hội nghị đầu về biển đã được tổ chức ở Beyrouth vào tháng sáu, và tất cả các thành phố chung quanh biển đã được đại diện tại hội nghị. Sau đó không lâu, tại đại hội ở Opatija tại Yugoslavia, các đại biểu đoàn đã ra Tuyên ngôn Rijeka, đòi hỏi những biện pháp cụ thể để chặn đứng đà ô nhiễm của biển. Tiếp theo lại có hội nghị Split (1977) và hội nghị Genève (1979) để đi tới những quyết định cụ thể về việc bảo hộ sinh môi của biển. Từ đó về sau vẫn có sự hợp tác liên tục của các nước chung quanh biển để bảo hộ và sử dụng nguồn sinh lực của biển.

Các nước Yugoslavia và Slovak ở Trung Âu cũng thiết lập một vùng lâm viên siêu biên giới ở vùng núi Tara, điểm cao nhất của dãy Carpathian để bảo vệ nhiều chủng loại động vật và thực vật quý hiếm đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Lâm viên này rất quý, và mỗi năm có tới hơn 8 triệu người tới tham quan và thưởng thức cái đẹp muôn màu của vùng núi ấy.

Những lời trên đây cũng chính là những gì mà chúng ta cần phải lưu tâm và có biện pháp nghiên cứu để bảo vệ môi sinh, bảo vệ sự sống của các lài động thực vật, cũng chính là bảo vệ chúng ta.

Khi trời nắng chúng ta muốn tìm một nơi mát mẻ để trú ngụ, nhưng chúng ta lại chặt phá cây rừng. Mọi người đều muốn hít thở không khí trong lành nhưng lại gây ô nhiễm môi trường bằng nhiều hình thức khác nhau. Khí độc từ các nhà máy, các khu công nghiệp, rác thải từ các bệnh viện, các hộ gia đình chính là “lưỡi hái” của thần chết đang kề trên cổ chúng ta. Vì thế mà “Bà Chúa Thượng Ngàn của chúng ta đang bị bó tay, nếu ta không mau lẹ tới tiếp cứu Bà. Bà Mẫu Thoải của chúng ta cũng đang ốm đau vì chất độc hóa học. Nếu chúng ta bị động thì chỉ trong vòng một trăm năm nữa, là rừng thiêng không còn, chỉ còn lại những lâm viên, gọi là lâm viên quốc gia (National parks)”.

Trước đây vùng núi Dharamsala, phía bắc Ấn Độ rất sạch đẹp, yên bình. Nhưng sau khi du khách đổ về ngày một đông, nhà cửa thi nhau mọc lên, nguồn nước bị khai thác cạn kiệt, môi trường không được bảo vệ tốt nên tình trạng hiện tại của vùng này cũng không thể không báo động. Nếu đi dọc theo con đường từ trên núi cao xuống đến vùng đồng bằng, chúng ta có thể chứng kiến vô số rác thải nằm dọc hai bên lề, rơi xuống vực núi, trôi theo dòng thác, và kẹt lại đâu đó trong hốc cây, tảng đá, hoặc có thể nhìn thấy vài chiếc túi nilon nằm vất vưởng trên cành cây, một hình ảnh không lấy gì đẹp lắm so với miền đất thanh bình này. Mà vấn đề vệ sinh môi trường là “chuyện dài nhiều tập” trên đất của quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới này, không thể nào nói hết nếu chúng ta chưa một lần đến.

Một vài ví dụ tiêu biểu để chứng minh rằng sự sống của bà mẹ trái đất đang chờ chúng ta cứu chữa. Cứu sống bà mẹ thiên nhiên này tức là chúng ta tự cứu chính mình. Ăn sạch, uống sạch, ở sạch không còn là chuyện lạ trong gia đình, nhưng không vì ăn, vì uống, vì sống mà giết hại chúng sinh, chặt phá hủy hoại môi trường sống chung quanh. Hãy tập ăn các thức ăn có nhiều chất xơ, đạm, vitamin như: đậu, rau, củ, quả v.v… đồng thời hạn chế dùng thịt, cá cũng là cách tránh tội báo sát sinh, tránh được bệnh tật, tăng trưởng phúc báo, kéo dài tuổi thọ. Lợi ích như vậy mà không đáng làm ư?

Một điều tối quan trọng là cần phải giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các thành viên trong gia đình, nhất các thế hệ con cháu. Tập sống có ý thức, có tình thương với môi trường, đó cũng chính là điều mà tôi muốn chia sẽ cùng các anh chị và các bạn. Hy vọng được sự đồng cảm, cùng nhau cứu lấy bà mẹ thiên nhiên, chung tay xây dựng một thế giới, an lành sạch đẹp.

toanngoa3

Tổng số bài gửi : 4
Join date : 11/04/2012

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết